Scroll Top
tôm khỏe mạnh
Khắc Phục Bệnh Phân Trắng ở Tôm: Hướng Dẫn Toàn Diện Cho Người Nuôi

Bệnh phân trắng trên tôm thường xuất hiện sau giai đoạn tôm trên 15 ngày tuổi. Mặc dù bệnh không gây nguy hiểm như đốm trắng, đầu vàng nhưng bệnh có khả năng lây lan nhanh, gây giảm năng suất, thiệt hại nặng nề cho bà con nuôi tôm. Vậy bệnh phân trắng là gì? Giải pháp phòng và trị bệnh nào là tốt nhất?

Những nguyên nhân gây bệnh phân trắng trên tôm thẻ

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến bệnh phân trắng trên tôm thẻ, vì thế bà con cần phải xác định chính xác nguyên nhân để có cách trị bệnh phân trắng trên tôm thẻ tốt nhất.

Một số nguyên nhân chủ yếu làm tôm bị phân trắng:

  • Những ao có mật độ thả cao, đáy ao dơ, tôm bị nhiễm chất độc từ thuốc bảo vệ thực vật.
  • Thức ăn: Do bảo quản thức ăn trong môi trường không tốt hoặc tôm ăn phải thức ăn kém chất lượng, bị nấm mốc. Lâu ngày, tôm tích tụ độc tố dẫn đến bệnh đường ruột, bệnh phân trắng,…
  • Tảo độc: Tôm ăn phải các loại tảo độc như tảo lam, tảo giáp,… trong ruột, các loại tảo này tiết ra enzyme có khả năng gây tê liệt biểu mô, khiến ruột tôm không hấp thụ được thức ăn và không tiêu hóa được, dẫn đến tình trạng ruột bị tắc nghẽn gây bệnh phân trắng trên tôm.

Nguyên nhân bệnh phân trắng trên tôm

  • Khi phân lập vi khuẩn ở gan tôm thấy có nhiều vi khuẩn Vibrio vulnificus, Vibrio cholerae, Vibrio alginolyticus.
  • Thấy xuất hiện nhóm nguyên sinh động vật (Gregarine), ký sinh trên ruột tôm, với tỷ lệ cao trong các ao nhiễm bệnh phân trắng.
  • Trong mẫu tôm bệnh phân trắng, thấy có cường độ nhiễm cao với virus gây bệnh còi MBV (Monodon Baculovirus) và virus gây bệnh tụy HPV (Hepatopancreatic Parvovirus).

Các triệu chứng của bệnh phân trắng trên tôm thẻ

Tôm thẻ bị phân trắng thường xảy ra một cách nhanh chóng và càng trở nên nghiêm trọng hơn đối với những ao nuôi có quá nhiều thức ăn dư thừa. Dưới đây là một số dấu hiệu bệnh phân trắng ở tôm:

  • Cường độ nhiễm nhẹ: Tôm sậm màu, đường ruột bị đứt khúc, ruột lỏng. Test khuẩn Vibrio mật độ cao (>1.000 cfu/ml).
  • Cường độ nhiễm trung bình: Trong nhá (sàn ăn) xuất hiện những đoạn phân nhạt màu, màu trắng, tôm giảm ăn 10-20%.
  • Cường độ nhiễm nặng: Phân trắng nổi trên mặt nước, tôm giảm ăn >50%, tôm ốp thân và chết rải rác. Tỷ lệ tôm hao hụt có thể lên đến 90%.

Phân bố và lan truyền khi tôm bị phân trắng

Bệnh phân trắng xuất hiện tại Việt Nam vào năm 1998, tập trung nhiều vào những vùng nuôi tôm công nghiệp, những vùng nuôi tôm nước lợ mặn. Bệnh lây truyền chủ yếu theo phương ngang. Bệnh lây truyền từ vật chủ trung gian (động vật hai mảnh vỏ, cua, chim, con người,…); bệnh lây từ nguồn nước; tôm khỏe ăn tôm nhiễm phân trắng;… Ở trại giống, ấu trùng tôm bị lây nhiễm từ chất thải của tôm bố mẹ bị bệnh.

Chuẩn đoán bệnh phân trắng trên tôm

Bệnh phân trắng thường xuất hiện ở giai đoạn tôm lớn (>40 ngày tuổi).

  • Dựa theo dấu hiệu bệnh lý, ghi nhận thông tin làm tư liệu về quá trình phát bệnh.
  • Kiểm tra quá trình nuôi để tìm ra nguyên nhân nghi ngờ có thể gây ra bệnh phân trắng (đáy ao dơ, chất lượng thức ăn thấp, có tảo độc,…).
  • Test khuẩn Vibrio và ký sinh trùng Gregarines trên gan, ruột tôm.
  • Test MBV, HPV để xem tôm có mắc bệnh virus không, để có cách xử lý kịp thời.

Kỹ thuật phòng trị bệnh phân trắng trên tôm thẻ

Để phòng trị bệnh phân trắng trên tôm thẻ một cách hiệu quả đòi hỏi người nuôi cần quan tâm đến 2 yếu tố:

Lựa chọn, bảo quản thức ăn để phòng ngừa bệnh phân trắng trên tôm

  • Lựa chọn những loại thức ăn chuyên dùng cho tôm nuôi, đảm bảo chất lượng, đầy đủ chất dinh dưỡng. Cho tôm ăn thức ăn đúng kích cỡ cho từng giai đoạn nuôi với liều lượng phù hợp, tránh trường hợp dư thừa gây ô nhiễm môi trường ao nuôi.
  • Bảo quản thức ăn ở nơi khô ráo, thoáng mát, tránh khu vực ẩm ướt.
  • Trong quá trình nuôi nên thường xuyên tăng cường sức đề kháng tôm nuôi. Bổ sung Vitamin C, BETA-GLUCAN 3.6, kết hợp với hỗn hợp nấm men Saccharomyces Spp, bổ sung men tiêu hóa đường ruột, và các dòng thảo dược tự nhiên… Các sản phẩm có tác dụng đưa các loại vi sinh có lợi cho đường ruột nhằm ức chế sự phát triển của các vi khuẩn có hại, đảm bảo đường ruột luôn hấp thụ thức ăn tốt giúp tôm tăng trưởng nhanh và kháng bệnh tốt.

Quản lý môi trường ao nuôi để ngăn ngừa phân trắng trên tôm thẻ

  • Tiến hành thả giống theo tỷ lệ phù hợp với quy trình nuôi, không nên thả với mật độ quá dày. Trước khi thả tôm cần cải tạo ao thật kỹ lưỡng theo đúng quy trình, đồng thời lắp đặt đầy đủ hệ thống quạt nước sục khí đầy đủ.
  • Định kỳ thay nước ao nuôi ngăn chặn sự phát triển của tảo độc.
  • Tiêu diệt vi khuẩn trong ao nuôi tôm bằng các sản phẩm Vi sinh giúp gây màu nước cho ao nuôi, cung cấp chất dinh dưỡng có lợi, giúp thực vật phù du phát triển, tạo nguồn thức ăn tự nhiên cho tôm, cá.

Cách điều trị bệnh phân trắng

Để điều trị tôm thẻ bị phân trắng một cách hiệu quả, điều đầu tiên là phải xác nhận được đâu là nguyên nhân chính gây bệnh. Tùy vào từng nguyên nhân mà có các cách điều trị khác nhau.

  • Nếu thức ăn không tốt, ngừng cho ăn và thay đổi thức ăn chất lượng hơn từ các đơn vị uy tín. Khuyến cáo giảm thức ăn 30-50% và tăng cường chạy sục khí oxy trong suốt quá trình điều trị.

Lưu ý: Phát hiện bệnh đường ruột sớm nhất sẽ điều trị càng hiệu quả và tôm sẽ không bị nhiễm các bệnh khác về sau. Sau khi khỏi bệnh, nên sử dụng diệt khuẩn và bổ sung men vi sinh đường ruột để tôm không tái bệnh trở lại.

Leave a comment